Doanh nghiệp Việt loay hoay vào chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ tư - 10/01/2018 14:50
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện chỉ có 9% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn vào thực tế, thì phần lớn số doanh nghiệp đạt chuẩn này là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, nếu có tham gia được, cũng chỉ là những nhà cung ứng thứ cấp và chỉ cung cấp những sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng không cao...

Doanh nghiệp nội lép vế

Báo cáo của WB cũng chỉ ra, hiện Việt Nam có giá trị xuất khẩu trên GDP cao hơn nhiều nước. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp FDI đang chiếm tới 3/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một vấn đề quan ngại nữa, doanh nghiệp Việt chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng sản phẩm để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cùng các nhà sản xuất lớn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thường phàn nàn về việc thiếu các nhà cung cấp trong nước.

Chẳng hạn như, hiện Công ty Samsung Việt Nam đang có 200 nhà cung cấp trong nước quan tâm đến việc cung cấp linh kiện mà Samsung muốn tìm mua, gồm 91 linh kiện cho điện thoại và 53 linh kiện cho máy tính bảng, nhưng không doanh nghiệp Việt nào có thể đáp ứng các yêu cầu đề ra. Hiện nay, số doanh nghiệp Việt là nhà cung cấp linh kiện cho Samsung chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là doanh nghiệp các nước (53 doanh nghiệp Hàn Quốc, 7 doanh nghiệp Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Anh). Điều đáng quan tâm, 4 nhà cung cấp cấp 1 của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp bao bì có giá trị gia tăng thấp, bao gồm: bao bì giấy, bao bì màng mỏng, bao bì giấy gấp nếp.

Tương tự, trong ngành công nghiệp ôtô có khoảng 200-300 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, song phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, chỉ tham gia ở các giai đoạn giá trị gia tăng thấp, đó là lắp ráp, hàn, sơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ đóng góp các chi tiết có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động như lốp, ắc quy và dây điện. Chính vì vậy, tỷ lệ nội địa hoá của ngành công nghiệp ôtô chỉ chiếm khoảng 10-20% so với 45% của Thái Lan. Hiện nay, các nhà cung cấp đa quốc gia cấp 1 là Denso, Yazaki, Robert Bosch, Sews.

Nói về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đại diện Công ty cao su Thống Nhất cho rằng, hiện công ty có 5 nhà máy sản xuất và đang cung cấp sản phẩm phụ trợ cho một số tập đoàn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực ô tô, điện, điện tử, cơ khí, khoáng sản... Tuy vậy, sản phẩm của công ty cũng chỉ có thể bán cho nhà cung ứng thứ cấp, chứ chưa bán được cho doanh nghiệp sử dụng cuối cùng, nên giá trị gia tăng không cao. Chẳng hạn như, sản phẩm khớp nối dưới gầm xe, ống cao su để luồn dây điện tại cửa xe cho công ty Nhật. Tuy nhiên, cao su Thống Nhất phải bán cho một công ty trung gian khác, sau đó công ty này bán lại cho các doanh nghiệp ôtô như: Mazda, Suzuki… Nghĩa là, dù có tham gia vào chuỗi giá trị nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ lực để cung ứng linh kiện tới tận tay nhà sản xuất cuối cùng.

Đó là chưa kể, để trở thành nhà cung ứng, Công ty phải có chứng chỉ chất lượng từng loại sản phẩm cung ứng cụ thể, do tổ chức quốc tế đánh giá độc lập cấp, với chi phí đánh giá là 15.000 USD/lần và sau 3 năm phải thực hiện đánh giá lại...
 

1

Cần một giải pháp đột phá

Theo đại diện Công ty Samsung tại Việt Nam, Việt Nam cần định hướng lộ trình tham gia cho doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bước đầu có thể lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, hỗ trợ liên kết sản xuất với doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi và chuyển giao công nghệ. Tiếp đó là hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô đầu tư, nâng chất lượng hoạt động sản xuất và chất lượng quản trị... Cùng với đó, phải xây dựng và nuôi dưỡng đội ngũ sáng tạo, tạo điều kiện để tăng kết nối và chuyển hoá công nghệ từ doanh nghiệp FDI.

Nói về  vấn đề này, đại diện của WB cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi cách thức quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, không nên có quá nhiều cơ quan quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ như hiện nay, dẫn đến chồng chéo trong quá trình thực hiện nhưng hiệu quả mạng lại lại không cao. Cơ quan quản lý phải có đủ thẩm quyền và năng lực để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng có tính đến yếu tố kết nối với các quốc gia trong cùng chuỗi cung ứng để tăng khả năng kết nối thị trường. Tái cấu trúc nền kinh tế thị trường theo hướng công bằng hơn trong hoạt động cạnh tranh. Trong những lĩnh vực nhất định, cần thiết phải có sự can thiệp từ phía Chính phủ để có thể đẩy mạnh phát triển ngành…

Các chuyên gia cho rằng, hiện chính sách của Việt  Nam có 2 điểm yếu: quá chung chung và tư duy theo hướng phân mảnh, mỗi thứ một ít. Việc thiết kế các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành tưởng như rất ổn, nhưng thực chất lại rất bất cập do không thể tạo chuỗi kết nối sản xuất. Do đó, phải thay đổi tư duy hỗ trợ doanh nghiệp và việc hỗ trợ phải rất cụ thể
 

Các chuyên gia cho rằng, để có thể cạnh tranh, doanh nghiệp nội phải có nội lực lớn hơn, có chất lượng và số lượng sản phẩm ổn định với giá thành cạnh tranh hơn, nếu không cũng phải có những sản phẩm sáng tạo hơn. Trong khi đó, về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng sản phẩm, trình độ quản trị…, phía doanh nghiệp Việt Nam đều yếu và gần như không thể bắt kịp tốc độ thay đổi công nghệ của các doanh nghiệp FDI lớn...

Ánh Nguyệt (DNTH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây