Thầy Mạnh “đại ca” bật mí về dạy học phân hóa

Thứ ba - 11/02/2020 10:27
Từng được học sinh gọi biệt danh "Đại ca", thầy Phạm Thế Mạnh - giáo viên dạy giỏi của Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), "bật mí" về phương pháp dạy học phân hóa.
Thầy Mạnh “đại ca” bật mí về dạy học phân hóa

Những việc đã làm

Theo thầy Mạnh, đây là giải pháp mà thầy hướng đến trong những tình huống một lớp có nhiều đối tượng học sinh khác nhau: Có em rất giỏi nhưng cũng có em rất yếu và sợ Toán. Mục đích của thầy là để không học sinh nào cảm thấy bị “bỏ rơi” trong lớp học.

Để làm được điều đó, thầy Mạnh “bật mí” những công việc mà thầy đã làm: Thứ nhất là biên soạn, chuẩn bị bộ tài liệu tự học với nội dung ở nhiều cấp độ từ dễ đến khó.

Thứ hai, với những học sinh yếu, chỉ đặt ra yêu cầu ở mức độ vừa phải với khả năng của học sinh đó. Với những học sinh học tốt, yêu cầu học sinh hoàn thành các mức độ cơ bản, sau đó, chủ động dành thời gian để tiếp cận các yêu cầu ở mức độ khó hơn.

Thứ ba, phân chia thời gian trong giờ học dành cho từng đối tượng một cách hợp lý. Đặc biệt, sẵn sàng dành thời gian ngoài giờ để hỗ trợ, phụ đạo thêm cho những học sinh có lực học chưa tốt.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc ra các đề kiểm tra môn Toán và các hình thức đánh giá năng lực môn Toán, thầy Mạnh trao đổi: Kiểm tra đánh giá trong môn Toán cần thay đổi theo hướng tăng cường đánh giá quá trình, kết hợp với đánh giá tổng kết một cách phù hợp.

Không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra viết 15 phút hay 45 phút, giáo viên có thể đánh giá kết quả của học sinh thông qua việc thực hiện chuyên đề, dự án, hoặc đánh giá quá trình tương tác của học sinh trong các giờ làm việc, thảo luận nhóm... khuyến khích tự đánh giá và đánh giá chéo của học sinh.

Nhưng quan trọng nhất việc đánh giá cần phải thực sự công bằng, minh bạch, nhấn mạnh vào sự hợp tác, chú trọng vào quá trình tạo ra sản phẩm, chú ý đến ý tưởng sáng tạo, đến các chi tiết của sản phẩm để nhận xét và mang tính chất khuyến khích động viên học sinh.

Thầy Mạnh cho biết, các năng lực mà thầy tập trung xây dựng cho học sinh là: Năng lực tư duy, lập luận Toán học; Năng lực mô hình hóa Toán học; Năng lực giải quyết vấn đề Toán học; Năng lực giao tiếp Toán học; Năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện Toán học

“Đối với cá nhân tôi, mục tiêu cuối cùng của quá trình dạy Toán ở THPT là giúp cho học sinh khi gặp một vấn đề nào đó có thể biết cách tư duy, mô hình hóa thành một vấn đề Toán học, sử dụng các công cụ và phương tiện Toán học để giải quyết vấn đề Toán học, từ đó đi đến cách giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhất” – thầy Mạnh chia sẻ.

Không được phép có tâm lý tiêu cực với môn học

 Thầy Mạnh được học sinh gọi bằng biệt danh "đại ca". Ảnh: Vietnamnet.vn

Đặt vấn đề, học sinh cần đạt điểm cao trong các kỳ thi để làm gì? Thầy Mạnh cho rằng, trước hết là để khẳng định bản thân, để gia đình hài lòng, để đỗ vào trường đại học mình mong muốn, để tìm được những cơ hội tốt cho tương lai của mình...

“Trong thực tế, việc học để đạt kết quả cao trong các kỳ thi không phải là điều xấu và một trong những mục tiêu của giáo dục chẳng phải là giúp học sinh có được kết quả tốt hay sao? Tuy nhiên theo tôi, đó không phải là mục tiêu duy nhất. Nếu như học sinh vừa có kết quả thi tốt, vừa có khả năng vận dụng được những kiến thức đã học để giải quyết được những vấn đề mình gặp phải thì đó mới thực sự là mục tiêu hoàn hảo nhất của giáo dục” – thầy Mạnh thẳng thắn nói.

Thầy Mạnh cố gắng hướng học sinh đến việc phải thực sự hài lòng với kết quả mình đạt được. Không cần phải đạt điểm cao bằng mọi cách, nhưng không được phép có tâm lý tiêu cực với môn học. Sức và khả năng của mình đến đâu, mình thể hiện đến đó, quan trọng nhất là bản thân mình phải thực sự nghiêm túc và cố gắng trong quá trình học.

Theo thầy Mạnh, để có thể tự tin hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới, việc đầu tiên là cần đọc và tìm hiểu kỹ Chương trình.

Tiếp đến là tham gia nghiêm túc các buổi tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tổ chức. Tích cực tham gia đặt câu hỏi hoặc đóng góp ý kiến cho ban biên soạn chương trình.

Đồng thời luôn lắng nghe, học tập kinh nghiệm từ những chuyên gia giáo dục và đồng nghiệp, mạnh dạn áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, những ứng dụng của công nghệ trong dạy học để có thêm nhiều kinh nghiệm đứng lớp. Bất kỳ một điều gì mới cũng là thách thức nhưng đem lại rất nhiều cơ hội tốt để phát triển tay nghề.

Song điều quan trọng là yêu nghề với cả trái tim nhiệt thành nhất, không so đo tính toán thiệt hơn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

"Toán học là môn khoa học cơ bản. Có rất nhiều nội dung không chỉ áp dụng trong bộ môn Toán mà còn được vận dụng để xây dựng các kiến thức trong các môn khoa học khác như: Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Kinh tế học, kiến trúc... thậm chí cả những môn thuộc về xã hội như Địa lý...

Nhưng đôi khi, nó không hiện hữu một cách cụ thể, mà nằm ẩn sâu bên dưới nhiều tầng kiến thức khác, khiến cho những người không có sự tìm hiểu sâu sẽ cho rằng không có sự tham gia của Toán học trong giải quyết vấn đề.

Nói như thế để thấy rằng, Toán học có mặt ở mọi lúc, mọi nơi quanh ta, nó hòa trộn một cách khéo léo và tài tình cùng các môn khoa học khác để tạo nên những phát kiến vĩ đại hoặc góp phần giải quyết rất nhiều các vấn đề phức tạp trong cuộc sống"

Thầy Phạm Thế Mạnh

Tác giả bài viết: Theo Minh Phong giaoducthoidai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây