Điện gió phát triển "nóng" - đồng loạt kêu khó!

Thứ ba - 29/06/2021 14:07
Tất cả các dự án điện gió tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau đều cam kết thực hiện đúng tiến độ dự án. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án đang bỏ lại phía sau do chưa kịp khởi công, hoặc vướng những thủ tục cần thiết.

 

Dự án trên đất liền đồng loạt kêu khó

Đối với các dự án điện gió trên đất liền như dự án Nhà máy điện gió KoSy - Bạc Liêu giai đoạn 1 và dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1, khó khăn nhất là việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng, trong khi hạ tầng của khu vực dự án lại không đảm bảo.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận: “Hiện tại các tuyến đường giao thông ven biển Bạc Liêu chỉ chịu tải tối đa 16 tấn, cầu tối đa 25 tấn, không thể nào đáp ứng để các phương tiện vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng lên đến 160 tấn”.

Tại tỉnh Sóc Trăng, tất cả các nhà thầu điện gió đều cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để hoàn thành đóng điện và đi vào hoạt động trước ngày 31.10.2021. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Cty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (Dự án Nhà máy điện gió số 6) cho biết, công suất giai đoạn I của nhà máy là 30 MW, dự kiến triển khai lắp đặt từ tháng 6.2021; phấn đấu hoàn thành lắp đặt và chạy thử vào tháng 8, đóng điện vận hành thương mại dự án trong tháng 9.2021.

Không chỉ Nhà máy điện gió số 6 Quốc Vinh đang khẩn trương hoàn thành, 7 nhà máy điện gió khác đang thi công tại vùng ven biển tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cũng đang trong giai đoạn xây dựng, đổ trụ móng, đường dẫn… với khối lượng hoàn thành từ 30 - 70% và đều phấn đấu sớm hoàn thành hòa lưới điện quốc gia trong tháng 9 hoặc tháng 10.2021.

Để tháo gỡ khó khăn cho điện gió trên bờ, tỉnh Bạc Liêu cho phép các dự án tập kết vật tư tại cống Cái Cùng, giáp ranh huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Nhà đầu tư tự làm đường để vận chuyển thiết bị đến địa điểm thi công.

Dự án điện gió trên biển sợ chậm tiến độ

Ông Đào Hải Linh - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH ĐTXD&TM Phương Anh chủ đầu tư 3 dự án điện gió Hòa Bình 1 (2 giai đoạn) và Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 - nêu thực trạng: “Cho đến nay chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Chúng tôi đang lo là khả năng đấu nối vào đường dây 110KV có thể chậm tiến độ”.

Dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 2 (dự án điện gió trên biển) do Công ty cổ phần Năng lượng Bắc Phương làm chủ đầu tư đang được nối vào lưới điện quốc gia thông qua tuyến đường dây 110kV Hòa Bình - Đông Hải và Hòa Bình - Bạc Liêu 2 do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng 2 tuyến đường dây này có nguy cơ bị chậm. Tỉnh đang nghiên cứu hỗ trợ và có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng Công ty Điện lực Miền Nam gấp rút triển khai thi công, hoàn thành đóng điện tuyến đường dây lộ ra 110kV Giá Rai - Đông Hải và tuyến dây 110kV Hòa Bình - Bạc Liêu 2 trước ngày 30.9.2021 để đảm bảo truyền tải điện các nhà máy điện gió trong khu vực.

Tại dự án điện gió Viên An (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) nhà đầu tư đang tiến hành đóng cọc, vận hành đế trụ, nhưng do ảnh hưởng cơn bão vừa qua biển đông nhiều sóng gió, nên tiến độ chậm lại. Khi phóng viên đặt vấn đề liệu có kịp hòa điện trước ngày 31.10 hay không, đại diện nhà đầu tư điện gió Viên An chưa dám khẳng định. “Tất cả còn phụ thuộc thời tiết” - vị chỉ huy công trường trần tình.

Phát triển nóng không thua gì điện mặt trời

Hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Long An... đều đưa phát triển năng lượng tái tạo vào mục tiêu phát triển kinh của mình. Sau điện mặt trời, điện gió là một lựa chọn cho phát triển năng lượng sạch. Thậm chí Bạc Liêu còn tham vọng trở thành thủ phủ điện gió của miền Tây.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết, tỉnh đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV… Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng; đồng thời chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Ngoài 21 dự án điện gió, Bạc Liêu đang khởi động nhà máy năng lượng khí hóa lỏng LNG với tổng mức đầu tư 4 tỉ USD, công suất 3.200MW

Tại tỉnh Sóc Trăng được Trung ương chấp thuận bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió. Các dự án này đang triển khai, dự kiến tháng 10.2021 đưa vào vận hành 8 dự án, số còn lại vận hành năm 2022 và 2023.

Trong khi đó tỉnh Bến Tre chính thức có đến 19 dự án điện gió. Ngoài ra, các nhà đầu tư khác đang khảo sát, lập hồ sơ, với quy mô hơn 1.000MW. Trong đó, có dự án điện gió ngoài khơi, cách bờ 42km.

Tại Cà Mau, các nhà đầu tư đề xuất trên 20 dự án, đề án điện gió, với tổng công suất 8.480MW. Hiện có 7 đề án được tỉnh đồng ý cho tiếp cận nghiên cứu, với công suất trên 4.200MW. Theo các ngành chức năng, để giải phóng hết công suất nguồn điện năng lượng trong thời gian tới thì Cà Mau cần xây dựng thêm đường dây 500kV và trạm biến áp, các đường dây 220kV kết nối với những dự án điện gió nhằm giải phóng công suất nguồn điện cho các dự án năng lượng.

Phát triển điện gió tại ĐBSCL là tín hiệu tích cực. Song, cũng có ý kiến lo lắng khi các lưới điện xây dựng chưa đồng bộ, dẫn đến không giải tỏa hết công suất, gây lãng phí nguồn lực. Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu làm việc với EVN về thực hiện 4 công trình lưới điện, giải tỏa năng lượng tái tạo trên địa bàn. Cụ thể, Bạc Liêu sẽ hỗ trợ EVN trong giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan; đồng thời đề nghị EVN đẩy nhanh tiến độ nhằm khai thác đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo.

Đối với dự án Điện gió Khai Long (Cà Mau), có vốn đầu tư trên 5.500 tỉ được chấp nhận đầu tư từ năm 2016 cho đến nay vẫn chưa khởi động. Dự án này khó có khả năng hoàn thành đóng điện trước ngày 31.10.

Trao đổi qua điện thoại, ông Tô Hoài Dân - Tổng Giám đốc Công ty Công Lý - cho biết hiện dự án đang vướng chuyện cho thuê mặt nước biển để triển khai dự án. Ông Dân cho biết “Công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị được giao mốc, được kiểm tra thực địa để được sử dụng diện tích mặt biển, nhưng đến nay vẫn chưa được”.

Theo Công ty Công Lý, chính việc chậm bàn giao diện tích cho thuê mặt nước biển khiến toàn bộ dự án phải ngưng trệ.

Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long giai đoạn 1, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 14.1.2016. Dự án được xây dựng trên diện tích đất liền và mặt biển trên thềm lục địa là 2.165ha; công suất 100MW; tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỉ đồng.

Năm 2016, Bộ Tài nguyên Môi trường có quyết định giao khu vực biển (diện tích 1968,8ha) cho Công ty Công Lý. Theo quyết định trên, tiền thuê khu vực biển là 3 triệu đồng/ha/năm, thời hạn 30 năm. Thời gian tính tiền cho thuê bắt đầu từ ngày 14.9.2016. Căn cứ quyết định trên, đầu năm 2021, Cục Thuế tỉnh Cà Mau có thông báo đến Công ty Công Lý yêu cầu đơn vị này nộp tiền thuê khu vực biển là hơn 26 tỉ đồng.

Cty Công Lý mới nộp 50% số tiền thuê nên chưa được cắm mốc định vị vùng khai thác dự án. Chính vì vậy, chưa biết chừng nào dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bến Tre: Sẽ đưa vào hoạt động 5 nhà máy điện gió cuối năm nay

Theo Sở Công Thương Bến Tre, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy điện gió đang triển khai xây dựng, với tổng công suất gần 180MW. Từ đầu năm 2020 đến nay, các công trình điện gió chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, như làm chậm tiến độ cung cấp tuabin, các chuyên gia người nước ngoài chưa thể đến làm việc đúng như kế hoạch… Được sự hỗ trợ tích cực của địa phương Bến Tre, các nhà đầu tư quyết tâm đưa 5 dự án điện gió vào vận hành trước ngày 30.10.2021, đó là: Nhà máy điện gió số 7 Ba Tri, Nhà máy điện gió số 5 Tân Hoàn Cầu, Nhà máy điện gió Mê Kông, Nhà máy điện gió VPL và Nhà máy điện gió Thanh Phong.

Nguồn tin: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây