Cấp nước ngọt cho cư dân vùng nhiễm mặn cần quyết liệt hơn

Chủ nhật - 21/04/2024 17:45
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa trải qua đợt xâm nhập mặn cao điểm trong mùa khô 2023-2024 khiến hơn 15 nghìn hộ dân thuộc nhiều địa phương bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt. Theo nhận định, từ nay đến hết mùa khô 2023-2024 sẽ tiếp tục có thêm một số đợt xâm nhập mặn, vì vậy các địa phương cần chủ động các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.
Cấp nước ngọt lưu động cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cấp nước ngọt lưu động cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Những biện pháp quả quyết hơn cũng đã được đề cập đến như xây dựng các đại hồ chứa nước nơi vùng đất cao như ở An Giang để cấp nước trồng trọt khả dĩ cho vùng khô hạn và ven biển. Nhưng xem ra nhu cầu đầu tư cấp nước ngọt cho cư dân vùng nhiễm mặn còn gấp gáp hơn, mà hiệu quả cũng có thể thấy ngay trước mắt.

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 khả năng vẫn ở mức thấp, dẫn đến xâm nhập mặn cao đến hết mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt”.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia và các cơ quan chuyên môn, từ nay đến hết mùa khô 2023-2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có một số đợt xâm nhập mặn nữa. Các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở vùng cửa sông Cửu Long khả năng xuất hiện trong các ngày từ 24 đến 28/3; ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 24 đến 28/3, từ 8 đến 13/4 và từ 22 đến 28/4. Các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 50 đến 65 km (tùy từng cửa sông); ranh mặn 4 g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức từ 80 đến 85 km.

Qua thống kê, toàn vùng có khoảng 3.928 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có khoảng 30% số lượng công trình sử dụng nước mặt. Tổng công suất cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung khoảng 1.000.000 m3/ngày đáp ứng được khả năng cấp nước tập trung khoảng 66% dân số nông thôn. Đối với mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình, khu vực này có khoảng một triệu hộ sử dụng loại hình cấp nước nhỏ lẻ, trong đó chủ yếu là hình thức khai thác bằng giếng khoan.

Giải quyết khủng hoảng nước ở ĐBSCL đòi hỏi phải đầu tư đáng kể. Khoản đầu tư này không chỉ là về tiền mà còn là xây dựng một chiến lược ưu tiên an ninh nước và tính bền vững cho tương lai của khu vực. Bởi tình trạng nhiễm mặn diễn ra hàng năm và kéo dài trong nhiều tháng bây giờ không phải là vấn đề đột xuất, cũng không phải là khó khăn tạm thời; bởi với tình hình như hiện nay, ĐBSCL sẽ thoái hóa, cả thiên nhiên và con người. Chúng ta cần giải pháp bền vững, trước tiên là cho con người để họ có thể bám trụ trên vùng đất này và hình thành ra các sáng kiến khai thác thiên nhiên tại đó một cách hợp lý.

Cần có những biện pháp quyết liệt, kịp thời

Trước hết là lắp đặt thêm thiết bị khử muối nơi các nhà máy cấp nước hiện có, và xây dựng thêm các trạm khử muối nơi các vùng dân cư chưa có hệ thống cấp nước vốn sống nhờ vào nguồn nước ngọt kênh rạch vào những lúc chúng không nhiễm mặn.

Khi nước hạ nguồn nhiễm mặn thì ở gần đó phía thượng nguồn vẫn còn dòng nước ngọt. Vì thế việc đầu tư đưa nguồn nước ngọt từ đó về các nhà máy cấp nước trong vùng nhiễm mặn là điều khả thi. Nguồn nước ngọt này có thể lấy từ các nhà máy cấp nước gần nhất ở phía trên, hoặc từ các trạm bơm dã chiến đặt trên bờ hay trên sà lan. Ống dẫn nước trong trường hợp này có thể là ống cứng hay ống mềm, nằm dọc theo dòng nước chứ không trèo lên bờ để không ảnh hưởng đến các công trình dân sinh, cũng để tiết kiệm thời gian lắp đặt và giảm nhu cầu năng lượng bơm nước, tiết kiệm cả công bảo dưỡng vì chúng nằm trong nước.

Trong trường hợp tốt hơn, chúng ta vẫn có thể thiết lập những hệ thống ống nước tương tự cho nông nghiệp, đặc biệt cho các vườn cây ăn trái. Đây chẳng qua là một hệ thống kênh dẫn nước nằm giữa dòng nước, mà ở điểm cuối kết nối với các ống dẫn nước đến các ruộng vườn nông dân.

Việc lắp đặt đường ống dẫn nước ngọt từ các nhà máy cấp nước thượng nguồn về bổ sung hoặc pha loãng cho các nhà máy hạ lưu trong thời điểm độ mặn cao đã từng được áp dụng trên thế giới tùy từng điều kiện thực tế cụ thể. Ví dụ, các đường ống dẫn nước liên bang ở California, Mỹ và Đề án Bradfield ở Úc.
Về lâu dài, các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp sửa chữa, nâng cấp, xây mới công trình cấp nước tập trung nông thôn cho khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng phương án cấp nguồn cho công trình cấp nước tập trung từ các hồ chứa thủy lợi; xem xét đầu tư, xây dựng các hồ trữ nước ngọt dành riêng phục vụ sinh hoạt, bảo đảm tích trữ đủ nước trong trường hợp xâm nhập mặn xảy ra theo kịch bản cực đoan nhất...

Tác giả bài viết: Biển Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây