Tri thức doanh nhân

https://trithucdoanhnhan.vn


Giáo dục trước hết là để tạo ra con người nhân văn

GD&TĐ - Nhiều góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được PGS.TS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông - đưa ra từ vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian gần đây liên quan đến việc học sinh đánh bạn theo lệnh của cô giáo. Những góp ý này được chia sẻ trong hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 11/12 tại Hà Nội.
Giáo dục trước hết là để tạo ra con người nhân văn

Cần tạo hệ sinh thái cho giáo dục

Ông Bùi Thiện Dụ cho rằng, việc học sinh nghe lời cô đánh bạn phạm lỗi, xu thế muốn đào tạo sản phẩm ngoan ngoãn không phải chỉ của ngành Giáo dục mà còn của một phần không nhỏ trong xã hội, nếu vậy thì phải cả xã hội cùng chịu trách nhiệm uốn nắn.

“Nói thì dễ, phê phán cũng không khó, nhưng trong thực tế để sửa thì khó hơn nhiều. Bản thân tôi cũng từng dính dáng tới nghề dạy học hơn 50 năm cảm nhận sâu sắc điều này. Tôi đã rất thích thú và cũng nhiều lần nói với các em sinh viên lời của một triết gia giáo dục Nga, là trong quá trình học tập, có khi trong cả cuộc sống phải luôn luôn tự hỏi: “Tại sao lại thế này, có thể khác được không, và làm thế nào để tốt hơn?”. Nhưng kết quả quá khiêm tốn!” – ông Bùi Thiện Dụ chia sẻ.


                                                                                                     PGS.TS Bùi Thiện Dụ

Từ câu chuyện cụ thể nói trên, góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ông Bùi Thiện Dụ cho rằng: Nên chăng, ngay ở các điều khoản về mục tiêu giáo dục phải kết cấu, sửa chỉnh thế nào cho rõ nét. Hướng là giáo dục trước hết là để tạo ra những con người nhân văn, là chủ thể của cuộc sống riêng và cuộc sống xã hội, là một người Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam và cũng ý thức đầy đủ về một công dân toàn cầu hiện đại. Nếu mục tiêu được nêu rõ nét hơn thì sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt các điều khoản khác nữa, và sẽ hoàn thành được nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Ông Bùi Thiện Dụ dẫn phát biểu của bà Mattha Nussbaum - triết gia giáo dục Mỹ đương đại: “Do khao khát thành công kinh tế, nhiều nước và hệ thống giáo dục các nước này đang tỏ ra cực kỳ khinh suất khi không còn cung cấp cho người học những kỹ năng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một xã hội dân chủ. Nếu xu hướng này cứ tiếp diễn thì rồi đây nhiều nước trên thế giới sẽ chỉ cho ra lò những thế hệ người máy, hữu dụng ngoan ngoãn giỏi chấp hành kỹ thuật hơn là những công dân hoàn chỉnh có khả năng tư duy, biết đặt lại các vấn đề, hiểu được nỗi đau và hành động của người khác.

Từ đó cho rằng, nên chăng, cũng đến lúc cùng với tạo môi trường sinh thái cho khởi nghiệp, nên tạo môi trường sinh thái cho giáo dục?

Hoan nghênh khẳng định cần kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nhận định dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này thể hiện tính bao quát toàn diện hơn các lĩnh vực thuộc hoạt động giáo dục và cách trình bày hệ thống hơn, cách giải thích và nêu các điều khoản khoa học, logic hơn, ông Bùi Thiện Dụ góp ý cụ thể cho Điều 4 (giải thích từ ngữ).

Theo đó, khi nói về giáo dục phổ cập bắt buộc thì trách nhiệm nhà nước “phải đảm bảo các điều kiện để mọi cá nhân phải học tập nhằm đạt được một trình độ học vấn theo qui định của pháp luật”. Ông Bùi Thiện Dụ đề nghị ghi thêm “miễn phí” với lý do: Trong thực tế đây có khi lại là điều kiện tiên quyết đối với một số không nhỏ học sinh; hơn nữa có như vậy thì trách nhiệm người dân và nhà nước mới bình đẳng. Dân phải học qua giáo dục phổ cập bắt buộc, nhà nước phải đảm bảo về mọi mặt thì mới bắt buộc được người dân thực hiện điều đó.

“Vấn đề miễn phí phải được khẳng định rõ ở khoản 2 điều 13, khi đề cập đến trách nhiệm của nhà nước về phổ cập giáo dục bắt buộc. Nó sẽ buộc nhà nước phải cân nhắc tính toán đầy đủ khi đưa ra cấp độ giáo dục phổ cập bắt buộc, tránh tình trạng nêu mức độ không sát thực tế, không khả thi ngay từ khi ban hành quyết định” – ông Bùi Thiện Dụ góp ý.

Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, lần này Ban soạn thảo khẳng định: Cần kỳ thi tốt nghiệp THPT; sẽ cấp bằng tốt nghiệp. Theo ông Bùi Thiện Dụ, tấm bằng đó vừa có ý nghĩa tinh thần đối với học sinh, coi như đánh dấu kết thúc một giai đoạn học trò để bước vào đời; vừa có giá trị để dùng trong cuộc sống, trong đó có cả việc đăng ký thi hoặc tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, dạy nghề… “Rất đáng hoan nghênh sự khẳng định hợp lý này” – ông Bùi Thiện Dụ nói.

Góp ý liên quan đến Điều 5 về hệ thống giáo dục quốc dân, ông Bùi Thiện Dụ dẫn khoản 2 Điều 5 quy định hệ thống giáo dục quốc dân gồm có các cấp: Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo khác; Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ.

Nhưng thực tế, ông Bùi Thiện Dụ cho rằng, Luật này chỉ chi tiết hóa cho giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non; lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được tách ra thành các luật riêng. Việc tách ra hai lĩnh vực đặc thù là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học nên được ghi nhận cụ thể ngay ở phần đầu, cụ thể là ở mục 1 “phạm vi điều chỉnh”. “Các luật riêng cho lĩnh vực giáo dục đại học hay giáo dục nghề nghiệp cũng phải thống nhất, tương thích với những phần chung của luật này” – ông Bùi Thiện Dụ nhấn mạnh.

 

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây