Lạm phát tăng nóng, nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu?

Thứ năm - 17/06/2021 12:36
Từ khi thành lập thị trường chứng khoán tới nay, kinh tế Việt Nam đã trải qua 106 tháng có mức CPI so với cùng kỳ nhỏ hơn 4%, Vn-Index tăng trưởng trung bình tới 2,73%/tháng trong các tháng này, cao vượt trội so với mặt bằng chung...
Lạm phát tăng nóng, nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu?

 

 

Lạm phát đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 lên tới 5%, là mức cao nhất trong 13 năm qua và vượt mọi dự báo của giới chuyên gia. Bên cạnh đó, giá sản xuất tại Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 12 năm do giá hàng hóa tăng cao, càng cho thấy áp lực lạm phát toàn cầu giữa bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất 6 năm, CPI tháng 5/2021 chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, với nền kinh tế mở và chịu tác động nhiều từ giá hàng hóa thế giới như Việt Nam thì áp lực lạm phát giai đoạn tới vẫn hiện hữu. Việc chuẩn bị trước kịch bản xây dựng danh mục khi lạm phát tăng cao sẽ giúp nhà đầu tư chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của nền kinh tế.

LẠM PHÁT 4-8% VẪN PHÙ HỢP CHO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Theo Chứng khoán Agriseco, lạm phát tăng chưa chắc làm giảm giá chứng khoán. Thống kê lịch sử cho thấy, tác động của lạm phát tới thị trường chứng khoán không đơn thuần là mối quan hệ nhân quả mà phụ thuộc vào mặt bằng lạm phát đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cũng như triển vọng duy trì mặt bằng lạm phát như thế nào.

Ngày 10/6 vừa qua, chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng điểm và đóng cửa tại đỉnh mới, mặc dù số liệu lạm phát tăng cao nhất 13 năm và ngang với thời điểm trước khi xảy ra Đại suy thoái năm 2008. Thị trường tỏ ra không lo lắng khi lạm phát tăng cao mà chỉ đánh giá điều này chỉ là tạm thời giống như quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Tại Việt Nam, môi trường lạm phát vẫn rất thuận lợi cho chứng khoán, đang trong mức tối ưu để chứng khoán tăng trưởng. Theo thống kê của Agriseco Research, mức lạm phát dưới 4%/năm là tốt nhất cho thị trường chứng khoán. Cụ thể, kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán tới nay, kinh tế Việt Nam đã trải qua 106 tháng có mức CPI so với cùng kỳ nhỏ hơn 4%, Vn-Index tăng trưởng trung bình tới 2,73%/tháng trong các tháng này, cao vượt trội so với mặt bằng chung.

Chỉ số Vn-Index và lạm phát Việt Nam.
Chỉ số Vn-Index và lạm phát Việt Nam.

Lạm phát có thể nhích lên, nhưng trong vùng 4 - 8% vẫn là môi trường phù hợp cho chứng khoán. Hiện có những lo ngại về giá xăng dầu và vật liệu xây dựng tăng cao, bên cạnh việc nhu cầu hồi phục khiến đẩy mặt bằng lạm phát lên tầm cao mới trong nửa cuối năm. Mặc dù vậy, Agriseco Research đánh giá lạm phát mặc dù có thể tăng, tuy nhiên trong trường hợp tăng vượt mục tiêu 4% của Chính Phủ thì tại vùng đệm 4%-8% vẫn là mức thuận lợi cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng.

Thống kê lịch sử cho thấy VN-Index đã chứng kiến 77 tháng có mức lạm phát trong khoảng 4% tới 8%, tỷ suất trung bình VN-Index trong các tháng này vẫn đạt 2,0% là mức khả quan. Quan sát dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2021-2022 của các tổ chức lớn như ADB, IMF, WorldBank; hầu hết nhận định đều cho rằng lạm phát vẫn quanh ngưỡng 3 - 5%, điều này là động lực quan trọng để thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới.

Lạm phát tăng nóng, nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu? - Ảnh 1
 

Dù vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu lạm phát vượt quá 10%. Khi lạm phát tăng tốc vọt lên trên vùng 2 chữ số, chứng khoán thường lao dốc rất mạnh và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Thống kê cho thấy VN-Index đã trải qua 37 tháng có mức lạm phát cao hơn 10%. Tỷ suất thị trường giai đoạn này sụt giảm tới 2,83%/tháng. Đặc biệt hơn có những tháng giảm khủng khiếp trên 20%/tháng như các tháng trong giai đoạn 2008-2009. Do hệ lụy của nới lỏng tiền tệ, tài khóa quá mức, lạm phát đã tăng vượt 10% từ cuối 2017 và tăng liên tục, tạo đỉnh giữa 2018 với mức gần 30%. VN-Index đã sụt tới 70% trong giai đoạn này.

Một ví dụ khác diễn ra vào năm 2011 khi lạm phát duy trì trong ngưỡng 12 - 23% suốt cả năm (chủ yếu do kích thích tài khóa không hiệu quả), chứng khoán đã sụt giảm gần như cả năm với mức sụt giảm lên tới 30% tính riêng trong năm 2011.

NHÀ ĐẦU TƯ NÊN RÓT TIỀN VÀO ĐÂU KHI LẠM PHÁT TĂNG CAO?

Suốt bề dầy lịch sử, kênh chứng khoán đã chứng tỏ vị thế là kênh đầu tư hàng đầu trong việc chống lại lạm phát. Thống kê của Agriseco Research từ năm 1970 tới nay tại thị trường Mỹ, giá chứng khoán tăng trung bình 7,13%/năm so với mức tăng 2,14%/năm của lạm phát.

Tại Việt Nam, VN-Index tăng trung bình tới 15,9%/năm; cao hơn áp đảo so với mức tăng 6,4%/năm của lạm phát. Theo đánh giá của FiinGroup, VN-Index hiện được định giá P/E ở mức 18,6x lợi nhuận trượt 4 quý gần nhất đến hết quý 1 năm 2021 và P/B ở mức 2,8x. Mặc dù VN-Index đang liên tục lập đỉnh nhưng xét trên chiều dài lịch sử 10 năm qua, đây là mức định giá vẫn chưa quá cao so với trung bình 1 lần độ lệch chuẩn của chỉ số định giá này.

Theo nghiên cứu của Bloomberg, khi lạm phát leo thang thì giá hàng hóa thường tăng mạnh, đặc biệt nhạy cảm như giá dầu, giá kim loại hoặc giá các mặt hàng nông nghiệp. Trong khi việc đầu tư chỉ số giá hàng hóa quốc tế chưa phù hợp trong bối cảnh hiện tại đối với đại đa số nhà đầu tư, thì việc đầu tư vào các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát là hợp lý.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Goldman Sachs về tương quan độ nhạy giữa điểm hòa vốn của cổ phiếu các ngành (so với chỉ số lạm phát) và hiệu quả lợi nhuận chỉ ra, các ngành “outperform” có thể đầu tư bao gồm: Năng lượng & Công nghiệp, Ngân hàng & Bảo hiểm, Nhu yếu phẩm.
 

Tỷ suất các lớp tài sản khi lạm phát tăng mạnh.
Tỷ suất các lớp tài sản khi lạm phát tăng mạnh.

Cụ thể, với nhóm dầu khí, Agriseco khuyến nghị cổ phiếu nhóm Dầu khí dựa trên: Nền kinh tế bước vào giai đoạn đầu phục hồi, khiến nhu cầu cũng hồi phục từ đáy và giá dầu, giá khí được dự báo bước vào chu kỳ siêu sóng. Trong thời kỳ lạm phát, các doanh nghiệp dầu khí đánh bại chỉ số lạm phát tới 71% và đem lại lợi nhuận hàng năm trung bình lên tới 9%. Cổ phiếu khuyến nghị gồm: PVS, BSR, PLX, GAS.

Với nhóm kim loại: Ngành Thép duy trì cơ hội ngắn và trung hạn dựa trên: Giá thép vẫn đang ở mặt bằng giá cao trong Quý 2 và Quý 3. Kể cả khi sóng giá thép đi qua nhu cầu thị trường vẫn ổn định với các dự án đầu tư công và xây dựng. Ngoài ra, giá hàng hóa tăng cũng mang tính lan tỏa, Kim loại Đồng, Hóa chất cũng là nhóm ngành có cầu hưởng lợi. Cổ phiếu hưởng lợi gồm HPG, DGC.

Với nhóm ngân hàng: Trong bối cảnh lạm phát cao, nhìn chung lãi suất đầu ra của các ngân hàng sẽ tăng trong khi lãi suất đầu vào sẽ tăng chậm hơn ở 1 số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như TCB, MBB, VCB giúp NIM ở các ngân hàng này mở rộng. Cùng với việc quy mô tín dụng không bị ảnh hưởng quá nhiều, trong môi trường lạm phát cao thì những ngân hàng kể trên được dự báo sẽ là những ngân hàng có lợi. Cổ phiếu nên quan tâm như TCB, VCB. MBB.

Lạm phát tăng nóng, nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu? - Ảnh 2
 

Nhóm Bảo hiểm: Với đặc điểm tài sản chủ yếu là tiền gửi và trái phiếu, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm có tương quan cao với lãi suất, nên trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng, thu nhập của các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng sẽ ghi nhận tích cực. Cổ phiếu: BVH, PVI, BMI được đánh giá cao.

Cuối cùng, nhóm ngành Nông nghiệp, Thực phẩm: Với đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao – cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận của ngành này sẽ được tăng đáng kể. Agriseco Research cũng lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu chuỗi chu trình sản xuất khép kín, giúp kiểm soát tốt hơn nữa về mặt chi phí. Cổ phiếu: LTG, VHC, ANV
Thu Minh

Nguồn tin: vneconomy.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây