Huy động nguồn lực trong dân để phát triển

Thứ năm - 10/08/2017 09:02
Câu chuyện làm thế nào để huy động được nguồn lực trong dân, cụ thể là nguồn ngoại tệ để đầu tư phát triển, đang trở thành đề tài “nóng” trong các cuộc làm việc, thảo luận của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các chuyên gia, tổ chức kinh tế.
Huy động nguồn lực trong dân để phát triển

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nguồn lực vàng, ngoại tệ.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 một lần nữa lại đề cập vấn đề này khi yêu cầu NHNN nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động nguồn vốn vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây nhất, trong cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với NHNN, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng được truyền đạt một cách cụ thể: NHNN cần sớm đề xuất chủ trương huy động nguồn lực trong dân để đưa vào sản xuất.

Việc khơi thông nguồn lực trong dân là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng tín dụng để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%. Chính sách chống đô-la hóa là chủ trương đúng đắn và đang mang lại nhiều thành quả nhất định, nhưng theo nhiều ý kiến, một khi mục tiêu chống đô-la hóa đã được kiểm soát thì cần xem xét huy động USD và cho vay USD trở lại ở mức độ hợp lý để thu hút ngoại tệ cho nền kinh tế, tránh hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ. Bởi theo tính toán, hiện nay, nền kinh tế của nước ta vẫn có nhu cầu cho vay ngoại tệ rất lớn.

Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2017, nhu cầu cho vay ngoại tệ đã tăng khoảng 5% trong khi cùng kỳ năm 2016 tỷ lệ này chỉ tăng từ 1,5 đến 2%. Các ngân hàng Việt Nam cũng đang phải đi vay USD tại nước ngoài với lãi suất 2,5%/năm. Áp lực nợ công lớn, trong khi Chính phủ vẫn phải phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất 4,8%...

quy tin dung

Ảnh minh hoạ

Do đó, khi nguồn lực trong dân còn rất lớn thì thay vì gửi lãi suất tiền gửi USD 0%, NHNN cần tính toán đề xuất những giải pháp hợp lý, tạo ra cơ chế để huy động, hòa nguồn lực này vào cùng các nguồn huy động khác phục vụ đầu tư, phát triển, tránh để nguồn tiền chảy ra nước ngoài. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần nghiên cứu, xem xét sử dụng hiệu quả nguồn tiền gửi trong kho bạc khi nguồn này hiện khá lớn, hơn 120.000 tỷ đồng, nhưng có thời điểm vẫn phải huy động nguồn khác để trả lãi nợ vay.

Tuy nhiên, cần tính toán và bước đi cẩn trọng bởi nếu huy động vốn của dân không đúng cách, sẽ phản tác dụng và gây rủi ro cho nền kinh tế. Theo dẫn giải của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Trong đó, thặng dư thanh toán chỉ chiếm một phần nhỏ, còn chủ yếu là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang đồng Việt Nam thông qua việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhờ các chính sách ổn định đồng nội tệ, vài năm trở lại đây, người dân không sử dụng USD để mua vàng và cũng không có tình trạng dân “đổ xô” mua vàng, từ đó giúp tiết kiệm nguồn lực ngoại tệ, đồng thời chuyển hóa tiền mua vàng, USD vào nền kinh tế. Đây có thể được coi là cách chuyển hóa nguồn ngoại tệ tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện cần kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, NHNN.

Để huy động có hiệu quả nguồn lực trong dân trong thời gian tới, NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án chống đô-la hóa, vàng hóa, trong đó nhấn mạnh các giải pháp vĩ mô, cụ thể chuyển hóa nguồn lực vàng, USD vào đầu tư. 

Hải Phong (vietnamhoinhap)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây