Thương mại điện tử trong nền Kinh tế số

Thứ năm - 17/02/2022 11:45
Năm 2021 là năm thứ hai của đại dịch Covid - 19, giãn cách xã hội kéo dài khiến nền kinh tế như bị ngưng trệ nhưng có một ngành vượt qua những bế tắc đó để tăng trưởng ngoạn mục đó là thương mại điện tử và số hóa nền kinh tế.
Thương mại điện tử trong nền Kinh tế số

Trong sự hạn chế của di chuyển, người dân online nhiều hơn và thay đổi thói quen mua sắm khiến thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ và cứu doanh thu cho nhiều doanh nghiệp thương mại.

Bước đột phá của thương mại điện tử thời Covid

Dịp Tết vẫn được coi là mùa bán hàng lý tưởng của các kênh truyền thống nhưng năm nay, lượng người đổ ra đường giảm hẳn. Thay vào đó, các sàn thương mại điện tử trở nên nhộn nhịp và có thời điểm nghẽn mạng. Lazada cho hay doanh thu toàn sàn đầu năm 2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, với số nhà bán hàng tăng 2,5 lần. Sức mua của người tiêu dùng cho các mặt hàng trang trí, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết cũng tăng mạnh. Tương tự, trên Shopee, người tiêu dùng đổ xô vào mua sắm đồ làm đẹp và tân trang nhà cửa, với 70.000 sản phẩm chăm sóc da được đặt mua trong 2 giờ đầu tiên.

Trong suốt năm 2021, thương mại điện tử Việt Nam đã bứt tốc mạnh mẽ. Xét về quy mô, thị trường thương mại điện tử Việt Năm năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với 2020, lên 13 tỷ USD, theo tính toán của Google, Temasel, Bain & Company. Vậy điều gì đã tạo nên một năm mở rộng mạnh mẽ này? Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho rằng: chính là quá trình chuyển đổi số được rút ngắn nhờ đại dịch.

Đầu xuân, về Đại Từ, một xã trung du ven hồ Núi Cốc, nơi có thương hiệu chè Tân Cương nổi tiếng, những người dân ở đây cho biết: giãn cách xã hội khiến lưu thông truyền thống giảm nhưng với sản phẩm chè đã được cấp chứng chỉ Ocop, họ có thể tham gia chợ đêm trên mây và tiêu thụ rất tốt thông qua các đơn hàng online.

Báo cáo "E - Conomy SEA 2021" chỉ ra rằng Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị. Việc thay đổi thói quen mua sắm trực tiếp và nhận thấy được lợi ích của tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống - 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong khi đó, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số.

Thương mại điện tử - cơ hội lớn trong nền kinh tế số

Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,… và cả bộ máy hành chính Nhà nước mà công nghệ số được áp dụng.

Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về đặt đồ ăn uống, vận chuyển, giao nhận,… cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng.

Là nước hội nhập sâu rộng với thế giới với hàng chục hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết và có hiệu lực, với Việt Nam, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi công nghệ toàn cầu và tạo ra các giá trị về kinh tế lớn thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng công ty VINACCO đang lập dự án chăn nuôi gia súc quy mô lớn ở vùng ven đô, thay vì phải đi khảo sát đầu ra, nhu cầu thị trường, giá cả tiêu thụ, hình thức thanh toán, quy trình thu hồi vốn, họ chỉ cần ngồi ở văn phòng tìm kiếm các thông tin có sẵn của các đối tác, thậm chí đàm phán để có những thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong nền kinh tế số, tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet giúp kết nối hóa các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang mang lại nhiều sự thay đổi cơ bản về kinh tế, xã hội trên toàn thế giới. Sự bùng nổ và phổ biến của internet và các công nghệ kỹ thuật số đã mang lại nhiều cơ hội bình đẳng cho mọi lứa tuổi, mọi quốc gia. Đặc biệt với những người trẻ tuổi vẫn có thể tham gia và kết nối vào thị trường kinh tế số, nơi mà các rào cản của thị trường nhỏ hơn, với rất nhiều cơ hội để tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và mang lại hợp tác trong các dự án sản xuất cùng nhau.

Nguyễn Văn Khánh, chàng trai đến từ Phú Xuyên, Hà Nội đã không ngần ngại lựa chọn con đường kinh doanh online thay vì học lên đại học như nhiều bạn cùng trang lứa. Điều kiện kinh tế khó khăn đã thúc đẩy Khánh xây dựng cho mình một kế hoạch cuộc đời thực tế hơn để vừa tự mình trang trải vừa có thể lo liệu cho gia đình.

Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2018, không tự hài lòng với số tiền tiết kiệm ít ỏi trong tay, chàng trai trẻ sinh năm 2000 đã kiên trì kêu gọi đầu tư trên các nhóm khởi nghiệp suốt 2 năm liền. May mắn mỉm cười với Khánh khi con số đầu tư nhận được vượt xa mong đợi. Đây cũng là cơ sở để cậu tự tin hơn khi mở cửa hàng đầu tiên mang tên Sensaku trên Shopee vào tháng 8 năm 2021.

Sau một thời gian trải nghiệm nhiều shop kinh doanh cùng ngành hàng trên các nền tảng khác nhau, Khánh nhận ra chủng loại và mặt hàng đa số đều giống nhau. Đây cũng chính là lúc cậu nhận ra cần tập trung nhiều hơn vào dịch vụ chăm sóc khách hàng để tạo nên sự khác biệt.

Chỉ sau 2 tháng lên sàn, với kết quả tăng trưởng 500% ấn tượng của shop Senkaku vào dịp 10/10 Siêu Sale chính hãng, Khánh cùng các cộng sự đã có thêm động lực để hoàn thiện cửa hàng thứ 2 trên Shopee với sản phẩm chính là giày da nam thủ công. Đây là bước đi nhanh và táo bạo để hoàn thiện giấc mơ đưa sản phẩm làng nghề Phú Xuyên đến với đông đảo người dùng mà không cần phải thuê cửa hàng mặt phố với chi phí đầu tư tốn kém.

Khác với Nguyễn Văn Khánh, Phạm Thị Mai là nhân viên trong một doanh nghiệp logistics, trong thời gian làm việc, chị có tìm hiểu về bán hàng online để phục vụ mở dịch vụ vận chuyển mới cho doanh nghiệp. Bằng kinh nghiệm quản lý ngành logistics, chị Mai tự tin sẽ có những giải pháp để tối ưu hóa chi phí quản lý cho đơn vị vận chuyển, logistics, chi phí kho bãi... chị cũng phản ứng nhanh hơn trong việc xử lý đơn hàng bị chậm trễ, giao muộn.

Lựa chọn Lazada sau khi trải nghiệm một vài sàn thương mại điện tử khác cũng như kênh bán hàng Facebook, bà mẹ một con khẳng định "đó là quyết định đúng đắn nhất trong sự nghiệp từ trước đến nay". Nền tảng thương mại điện tử này không chỉ chuyên nghiệp, bài bản mà còn tỉ mỉ từ việc hỗ trợ kiến thức kinh doanh cho nhà bán hàng đến hệ thống logistics. Nhờ đó, chị Mai không chỉ cải thiện lượng đơn hàng và doanh số, mà còn có kiến thức bán hàng trên sàn TMĐT, hỗ trợ cho nhiều nhà bán hàng mới. Yêu nghề, kiên trì học hỏi, cầu tiến, chị Mai không những có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh thương mại điện tử mà còn tạo được dòng tiền rất tốt cho thu nhập của mình.

Thương mại điện tử và vai trò của Nhà nước

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN với hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Tính đến cuối năm 2021, cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn trong nước là Viettel, VNPT và Mobifone đều đồng loạt công bố vùng phủ sóng, chính thức thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số.

Quan trọng hơn, không như các công nghệ trước đây hầu hết phải nhập khẩu, Việt Nam đã dần làm chủ và sản xuất được các thiết bị 5G, một bước tiến mang ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển viễn thông – công nghệ thông tin của quốc gia. Điều này ghi nhận sự quan tâm của Nhà nước đến kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế số.

Để tạo môi trường thuận lợi hơn, Nhà nước đang xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi, phát triển trong nền kinh tế số. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự chuyển đổi sang thành các doanh nghiệp thông minh, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nhà nước cũng đang xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.

Thương mại điện tử đang phát triển như một cơn lốc, cơ hội đang rất lớn, điều quan trọng là sự nhập cuộc của các doanh nghiệp doanh nhân Việt.

Tác giả bài viết: Đỗ Ngọc Sơn; Vũ Đức Huy; Hoàng Quang Huy - Khoa công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây