Tri thức doanh nhân

http://trithucdoanhnhan.vn


Hội thảo khoa học “Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”

Vừa qua, tại trụ sở Ngân hàng nhà nước (số 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo khoa học cấp ngành với chủ đề “Ngành ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
385 0657 01 MP4 09 34 03 20 Still001 (1)

385 0657 01 MP4 09 34 03 20 Still001 (1)

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh, tác động đến mọi mặt trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mặc dù không nằm trong 9 khu vực trên lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0, nhưng làn sóng công nghệ mới này cũng đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đặc biệt làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Đón đầu xu hướng phát triển của CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API) …nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Tại hội thảo này, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia sẽ đi sâu, tập trung giải quyết ba vấn đề: Gia tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước; Tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại; Nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận. Từ đó giúp các ngân hàng Việt Nam nâng mình lên một tầm cao mới, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, đánh giá được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Theo đó, hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), an toàn, bảo mật. Đồng thời tăng cường phát triển hạ tầng CNTT. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chính phủ điện tử. Cùng với đó, tích cực hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành Ngân hàng.
 

385 0673 01 MP4 09 37 31 22 Still001

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu

\Thời gian qua, với sự thích ứng và bước đầu ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của CMCN 4.0, một số ngân hàng thương mại đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như các ngân hàng TpBank với ngân hàng tự động LiveBank, Vpbank với ứng dụng ngân hàng số Timo, OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, Vietinbank với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu Doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trở lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…

Phát biểu trong Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng đã khắng định: “Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý và kinh doanh. Dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước và sự năng động của các ngân hàng thương mại, những công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng đồng bộ, hiệu quả trong toàn bộ hệ thống. Sự chủ động này đã tạo ra một nền tảng vững chắc và những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, khi kinh tế số phát triển, xu thế thanh toán điện tử tăng nhanh, trung tâm kinh tế thế giới dịch chuyển dần từ tây sang đông”.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đi sâu, đánh giá một cách toàn diện để nhận diện những tác động, cơ hội, thách thức. Đặc biệt là việc chỉ ra được những điều kiện cần thiết để các ngân hàng Việt Nam triển khai và thích ứng với CMCN 4.0 có ý nghĩa thực tiễn lớn đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Cuộc CMCN 4.0 mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong quá trình phát triển trên nhiều khía cạnh như: Gia tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước; Tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại; Nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận. Từ đó giúp các ngân hàng Việt Nam nâng mình lên một tầm cao mới, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
 

385 0657 01 MP4 09 34 03 20 Still001 (1)

 

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Ngành ngân hàng Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

 Không chỉ mang đến nhiều cơ hội lớn, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành Ngân hàng như: Khoảng trống chính sách đòi hỏi phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành Ngân hàng; Mô hình kinh doanh và nguồn lực tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản của các ngân hàng cần được khắc phục để thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ cao;...

Qua hội thảo này, có thể thấy, thích ứng với cuộc CMCN 4.0 đang là xu hướng chủ đạo hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận những thành tựu công nghệ mới tránh bị tụt hậu.

 

Những ý kiến quý giá, hữu ích của các chuyên gia, các nhà khoa học,... đã giúp các ngân hàng thương mại trong nước xác định rõ chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, tích hợp và bám sát với những công nghệ mới để đầu tư phát triển, đánh giá một cách đầy đủ những tác động, cơ hội, thách thức trong cuộc CMCN 4.0. Từ đó có cơ sở trong việc định hướng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng, xây dựng và ban hành chính sách đối với hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc cách mạng này.

 

Tác giả bài viết: Xuân Qúy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây