Tri thức doanh nhân

http://trithucdoanhnhan.vn


“Doanh nghiệp không dám lớn vì sợ phiền lụy”

“Các doanh nghiệp chỉ muốn dừng lại ở quy mô nhỏ và vừa vì sợ phải đối mặt với những vướng mắc mà các “đại gia” thường gặp. Hay nói cách khác, doanh nghiệp không phải không có khả năng lớn mà là “không dám lớn”, cứ muốn “thiếu nhi”, “thơ ấu” mãi” – doanh nhân Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ.
PV: Kinh doanh trang sức cao cấp ở Việt Nam hiện đang là ngành nghề rất hot nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy lý do hay niềm tin nào khiến bà quyết định mạo hiểm đưa thương hiệu Korloff về Việt Nam?

Doanh nhân Nguyễn Thanh Thuỷ: Thị trường trang sức Việt Nam là một thị trường ngách nhưng đầy tiềm năng. Tuy nhiên, trang sức đỉnh cao của thế giới không dễ thâm nhập thị trường Việt bởi thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam và châu Á nói chung rất khác với châu Âu. Bên cạnh đó, kinh tế người Việt còn chưa đồng đều, sự hiểu biết về trang sức, hàng hiệu còn nhiều hạn chế và khả năng hòa nhập văn hóa trang sức quốc tế cũng rất chậm… Chính vì sự chưa đồng nhất này nên khi quyết định đưa thương hiệu Korloff về Việt Nam, tôi cũng gặp không ít khó khăn.

Lý do lớn nhất khi tôi mạo hiểm đưa Korloff về Việt Nam chính là niềm tin vào Korloff - một thương hiệu dẫn đầu về kim cương của thế giới. Các sản phẩm trang sức Korloff đạt đến trình độ đỉnh cao của sự hoàn hảo và phá kỷ lục thế giới về phương pháp cắt kim cương độc quyền, được chế tạo bằng tay bởi những nghệ nhân lừng danh, có tay nghề giỏi nhất. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Korloff được kết tinh bởi sự đan xen giữa hai nền văn hóa Nga và Pháp, tạo ra những kiệt tác nghệ thuật mang đậm tinh hoa văn hóa châu Âu.

Và hơn hết, tôi là người yêu thích cái đẹp, tôi luôn mong muốn, phấn đấu để mang những giá trị đẹp nhất của trang sức, đồng hồ thế giới đến với cộng đồng yêu cái đẹp Việt Nam.
 

doi duoi 2 1

Doanh nhân Nguyễn Thanh Thủy -Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Golden Sun 

PV: Bà đánh giá thế nào về sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng với ngành trang sức trong những năm gần đây? Trong hoàn cảnh đó, Golden Sun đã đưa ra chiến lược gì để bắt kịp với thị hiếu khách hàng?

Doanh nhân Nguyễn Thanh Thuỷ: Hiện nay, thị trường trang sức ở Việt Nam vẫn còn nhỏ. Nhưng trong tương lai, đây sẽ là một thị trường tiềm năng, có khả năng sẽ vươn xa hơn nữa. Để khai thác hết tiềm năng của thị trường này, Golden Sun đã và đang từng bước chinh phục thông qua các sản phẩm của Korloff, mang đến cho khách hàng Việt những giá trị đẹp nhất bên trong mỗi “tuyệt tác”.

Năm 2017 là một năm khá khó khăn đối với thị trường bán lẻ, Korloff cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là khái niệm và hiểu biết của người Việt Nam về hàng hiệu đã được cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây. Rất nhiều người quan tâm hơn đến việc cá nhân hóa sản phẩm (bespoke) để chính những sản phẩm hàng hiệu thể hiện được giá trị cá nhân mong muốn, cũng như tình yêu, tinh thần của mỗi người. Nên tôi tin rằng, bằng những nỗ lực của mình, Golden Sun sẽ từng bước chinh phục khách hàng và mở rộng thị trường nhiều hơn nữa.

PV: Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, bà có vướng phải những vấn đề gì liên quan đến chính sách, pháp luật không? Bà đã hành động thế nào để bảo vệ doanh nghiệp của mình?

Doanh nhân Nguyễn Thanh Thuỷ: Doanh nghiệp của tôi là một doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và vừa, luôn cố gắng chấp hành tốt pháp luật trong công tác điều hành, quản lý công ty và quy định kinh doanh. Tuy nhiên, theo tôi thấy các quy định, quy chế pháp lý về kinh doanh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, cần được hoàn thiện hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, hòa nhập.

Khi gặp phải những vấn đề liên quan đến chính sách, chúng tôi luôn nâng cao ý thức của doanh nghiệp, chủ động trong việc tìm hiểu và chấp hành pháp luật. Nếu vẫn chưa thể tháo gỡ, chúng tôi ưu tiên nhờ sự tư vấn tích cực và bài bản của bên thứ ba như luật sư, trọng tài kinh tế… để tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

 

anh 1 doi duoi


PV: Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch quá lớn như vậy? Bản thân là chủ doanh nghiệp, bà mong muốn được hỗ trợ những gì để có thể lớn mạnh hơn nữa?

Doanh nhân Nguyễn Thanh Thuỷ: Theo tôi, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm tỷ lệ cao so với các “đại gia” chủ yếu là vì những lý do liên quan đến hành lang pháp lý. Thực tế cho thấy doanh nghiệp càng lớn, bộ máy hoạt động càng cồng kềnh thì các quy chế, quy định về pháp luật dành riêng cho họ càng nhiều, các rắc rối trong kinh doanh cũng vì thế nảy sinh nhiều hơn. Và khi gặp vướng mắc thì chính họ sẽ phải chịu ảnh hưởng của truyền thông nhiều nhất.

Ngược lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường được Nhà nước ưu tiên hơn, bộ máy hoạt động kinh doanh cũng gọn nhẹ và nếu có xảy ra vướng mắc với pháp luật thì cũng dễ dàng giải quyết hơn. Các doanh nghiệp này cũng ít bị các đơn vị thanh tra, quản lý kinh tế Nhà nước kiểm tra từ đó tránh được nhiều tiêu cực. Do vậy, theo tôi đây là các lý do cơ bản để các doanh nghiệp luôn chỉ muốn dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, tránh được những vướng mắc mà doanh nghiệp lớn gặp phải; Hay nói cách khác doanh nghiệp không phải không có khả năng lớn mà là “không dám lớn”, cứ muốn “thiếu nhi”, “thơ ấu” mãi…

Là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Golden Sun, tôi luôn mong muốn Việt Nam xây dựng được một hành lang pháp lý tốt. Các chính sách kinh doanh phải thực tế và bám sát thị trường, có lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tồn tại; Khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ phát triển và đặc biệt là không có kẽ hở cho những vấn đề tiêu cực. Từ đó, các doanh nghiệp mới có thể tự tin phát triển, tự tin lớn mạnh và có cơ sở để hội nhập với sự phát triển chung của kinh tế thế giới.

theo Hiền Tâm (doanhnhan.vn)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây