Tri thức doanh nhân

http://trithucdoanhnhan.vn


Hy vọng cho bệnh nhân ung thư, ghép tạng từ liều vaccine bổ sung

Hy vọng cho bệnh nhân ung thư, ghép tạng từ liều vaccine bổ sung

MỸNghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cho thấy một liều vaccine Covid-19 bổ sung có thể tăng cường bảo vệ người từng ghép tạng hoặc mắc ung thư.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine, ngày 14/6, theo dõi 30 bệnh nhân ghép tạng. Công trình là bước quan trọng giúp tìm hiểu công dụng của liều vaccine bổ sung đối với nhóm này.

Hầu hết người đã tiêm phòng đầy đủ có thể quay trở lại cuộc sống gần như bình thường. Tuy nhiên, hàng triệu người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch do ghép tạng, bị ung thư hoặc các bệnh khác vẫn còn băn khoăn. Nhóm bệnh nhân này không chắc liệu hai liều vaccine có thực sự bảo vệ họ khỏi Covid-19 hay không, vì vaccine khó có thể hỗ trợ hệ miễn dịch vốn đã suy yếu.

Theo nhóm nghiên cứu từ ĐH Johns Hopkins, việc tiêm bổ sung không có tác dụng đối với tất cả tình nguyện viên tham gia. Tuy nhiên, trong số 24 bệnh nhân không có đề kháng sau khi tiêm hai liều vaccine, 8 người đã có kháng thể chống lại nCoV sau khi tiêm lần ba. Ngoài ra, 6 người khác đã có lượng kháng thể tối thiểu sau khi tiêm hai liều. Số kháng thể tăng đáng kể nhờ liều vaccine thứ ba.

"Kết quả rất đáng khích lệ", bác sĩ Dorry Segev, chuyên gia ghép tạng của Đại học Johns Hopkins, đồng thời là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nghiên cứu đang hợp tác với Viện Y tế Quốc gia Mỹ để thử nghiệm mũi tiêm bổ sung trên 200 bệnh nhân đã ghép tạng trong hè này. Các loại thuốc ức chế miễn dịch được những người này sử dụng có khả năng ngăn cơ thể đào thải các bộ phận mới ghép, nhưng cũng khiến họ cực kỳ dễ tổn thương trước virus.

Các thử nghiệm vaccine Covid-19 đều bỏ qua nhóm này. Tuy nhiên, các bác sĩ kêu gọi họ nên tiêm chủng để ít nhiều bảo vệ bản thân trước Covid-19.

 
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Chicago, Illinois, hôm 8/6. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Chicago, Illinois, hôm 8/6. Ảnh: AFP.

Nhóm nghiên cứu của Đại Học Johns Hopkins gần đây đã kiểm tra hơn 650 bệnh nhân ghép tạng và phát hiện 54% có kháng thể chống lại nCoV sau khi tiêm hai liều vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Song, lượng kháng thể này nhìn chung vẫn thấp hơn những người khỏe mạnh tiêm đủ liều.

Đây không chỉ là vấn đề đối với những người ghép tạng. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra chỉ 85% các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus và các bệnh tự miễn khác có kháng thể chống Covid-19.

Theo tiến sĩ Alfred Kim của Đại học Washington tại St. Louis, những bệnh nhân thường xuyên dùng thuốc ức chế miễn dịch có rất ít kháng thể và đây là điều đáng lo ngại. Ông Kim cho biết: "Chúng tôi khuyên người mắc bệnh tự miễn nên đề phòng như thể vaccine sẽ không có hiệu quả cao". Ông cũng muốn thử nghiệm liều thứ ba với nhóm bệnh nhân này.

Đôi khi, các bác sĩ sẽ tiêm vaccine bổ sung cho những người có hệ miễn dịch kém. Theo hướng dẫn của Pháp, một số người có hệ miễn dịch bị ức chế nghiêm trọng có thể tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba, trong khi Mỹ vẫn chưa cho phép. Dù vậy, vẫn cần thêm các nghiên cứu quy mô lớn để xác định tác dụng của liều vaccine thứ ba.

Segev cho biết tiêm bổ sung không phải là phương án duy nhất. Ngoài khả năng kích thích sinh kháng thể, vaccine còn kích hoạt các lớp bảo vệ khác như tế bào T. Nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch có nhận được lợi ích này hay không? Đó là điều Segev và các nhóm nghiên cứu khác đang tìm hiểu.

Hiện nay, "cách tốt nhất để bảo vệ nhóm này là những người khác phải tiêm chủng để các bệnh nhân ít có nguy cơ nhiễm nCoV", ông Kim nhận định.

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây