Tri thức doanh nhân

http://trithucdoanhnhan.vn


“Biến” thành bệnh nhân tâm thần vì nghiện facebook

Bệnh viện Bạch Mai vừa bất ngờ công bố về hiện tượng hàng loạt bạn trẻ phải vào khoa tâm thần chữa trị bệnh “nghiện” Facebook. Theo các bác sĩ, tình trạng nghiện mạng xã hội đã phát triển trong một bộ phận của giới trẻ hiện nay. Họ nghiện những câu chuyện khác người, hành động không giống ai và đám đông sẵn sàng lao vào bấm like cho ai đó “đề xướng” một hành động kỳ quái giật gân như cô gái đốt trường, chàng trai tẩm xăng tự thiêu…

Điều này khiến cho người khởi xướng, ban đầu chỉ là đùa cho vui bị thúc đẩy làm những hành động sai trái. Hậu quả bản thân và xã hội phải gánh chịu là không thể lường hết được.

"Hóa điên" vì nghiện facebook

TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: “Viện đã tiếp nhận các ca tư vấn khi có các bệnh lý đồng diễn hoặc hậu quả của quá trình nghiện face nói riêng cũng như nghiện mạng xã hội nói chung. Gia đình đưa các bệnh nhân đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc dùng facebook. Các bệnh nhân thường còn rất trẻ, là học sinh, sinh viên”.

Cách đây 3 tháng, Viện đã tiếp nhận một nam học sinh (14 tuổi) nhập viện với các biểu hiện co giật phân ly. Theo chia sẻ từ gia đình, cháu bé này có tiền sử sử dụng mạng facebook rất nhiều, thậm chí đến 10 tiếng/ngày. Mỗi lần đi học về, cháu ở lỳ trong phòng và liên tục dùng facebook để nói chuyện với bạn bè. Gia đình thấy vậy nên đã thu điện thoại, cấm cháu dùng mạng facebook. Sau đó, cháu bỗng xuất hiện các cơn co giật.

Theo tiến sĩ Phương, sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện các cơn co giật xuất phát từ việc cháu không được dùng facebook. Do đó, bên cạnh điều trị hết các cơn giật, các bác sĩ phải tư vấn cho gia đình cách phân bổ thời gian cho cháu sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Bên cạnh ca bệnh này, tại Viện Sức khỏe Tâm tâm thần, các bác sĩ cũng tiếp nhận các cháu bé nghiện sử dụng facebook. Những bệnh nhân này thường không chịu làm gì, ngại giao tiếp thực tế, thay vào đó chỉ tập trung “sống ảo” trên mạng xã hội. Sau khi hỏi kỹ, khám bệnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân gặp các hoang tưởng, ảo thanh rất đặc trung trong tâm thần phân liệt.

Ths. BS Lê Thu Hà, Trưởng khoa Điều trị Nghiện chất cũng chia sẻ về một ca bệnh trầm cảm thứ phát có căn nguyên từ việc nghiện internet. Bệnh nhân 20 tuổi, sinh viên đại học, bị đuổi học do ham game, mạng xã hội, bỏ bê việc học. Sau đó, bệnh nhân về quê, tuy nhiên, cứ đến 5-6 tiếng, anh này rơi vào trạng thái thơ thẫn, ra nhà hàng xóm (đã chuyển đi hết) ngồi thu mình, không chịu giao tiếp với ai.

Thạc sĩ Hà cho biết, đó là thời gian anh thường dùng máy tính nhất. Khi trở về quê, không được dùng máy tính nên anh rơi vào trạng thái trên. Theo thạc sĩ Hà, nghiện facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian trên facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như làm việc, trường học hoặc duy trì mối quan hệ với bạn bè trong gia đình và bạn bè “thật”. Nếu dùng face có mục đích rõ ràng thì không được xem là nghiện.

8DGEl

Ảnh minh hoạ

Choáng váng với những “trào lưu ảo”

Tháng 11.2016 cư dân mạng được phen hú hồn khi một thanh niên 21 tuổi, sống tại TP. Hồ Chí Minh, sở hữu trang cá nhân có gần nửa triệu người theo dõi, “hùng hồn” tuyên bố sẽ nhảy từ tầng bốn tòa nhà Bitexco nếu có một triệu người bấm ‘like’. Vài hôm sau, có ba triệu người xem video và có hơn 300 ngàn lượt ‘like’. Cậu trai trẻ này hồi tháng Chín cũng đã “tự thiêu” hóa mình thành bó đuốc và nhảy cầu để thực hiện lời hứa khi bức ảnh của mình nhận được 40.000 lượt ‘like’.

Trước đó vào tháng 10, truyền thông “nháo nhào” tường thuật vụ một bé gái 13 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa đổ xăng đốt trường sau khi “đủ ngàn like” trên Facebook. Cô bé, người phải nhập viện vì bỏng nặng, sau đó bộc bạch “đủ 1.000 like sẽ đốt trường” chỉ là đùa vui. Dư luận lại ngã ngửa khi biết chi tiết khi đạt số ‘like’, cô bé rất sợ hãi và bỏ trốn, “nhưng người ta mua xăng, ép bé đốt trường nếu không sẽ bị đánh”.

Đấy là chưa kể có vô số cách câu like bắt đầu từ những lời thách thức quái dị, ngông cuồng và gây nguy hiểm đã và đang xuất hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook. Có thể kể như: “Đạt được 70.000 like và 25.000 share sẽ mặc đồ lót nhảy cầu và uống hết một ca nước sông”, “Nếu đủ 200.000 like sẽ tung ảnh nude”, “Đủ 20.000 like, 500 share, 1.000 bình luận để xem video lột đồ”…

Và sau khi đủ lượt like đã đem ra thách đố, những nhân vật này không ngần ngại quay phim lại hành động đã thực hiện, hơn thế ứng dụng livestreaam Facebook lại “tiếp sức” khiến hành động phát trực tiếp “người thật việc thật”. Các bạn trẻ ngang nhiên “tác oai tác quái” để “giữ lời hứa” cốt cũng để thể hiện tinh thần “dám chơi dám chịu” để tránh “một lần bất tín vạn sự bất tin”.

Trào lưu “Việt Nam nói là làm” đã vượt tầm kiểm soát và cái like bạc bẽo của đám đông cổ súy cho những hành động bồng bột, lầm đường. Những cú ‘like’ đủ để đẩy người vào chỗ chết. “Nói là làm” thực chất là một trào lưu mông muội, mất trí. Các chuyên gia cho biết, hiện nay, chưa có nghiên cứu các thuốc có hiệu quả trong nghiện facebook. Các BS chỉ dùng thuốc khi BN có các bệnh đồng diễn hoặc hậu qủa của nghiện facebook như mất ngủ, trầm cảm…

Nghiện facebook dẫn đến những hệ quả của bệnh như mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, hiệu suất công việc/ học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma tuý… Nghiện Facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian trên Facebook. Điển hình, liên quan đến việc sử dụng Facebook của 1 người sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như làm việc, trường học hoặc duy trì mối quan hệ với bạn bè trong gia đình và bạn bè “thật”.

Để kiểm tra bản thân có bị nghiện, lệ thuộc facebook hay không, thạc sĩ Hà khuyến nghị có thể dùng thang đo nghiện facebook được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na uy. Bản kiểm tra bao gồm sáu câu hỏi. Người trả lời mỗi câu hỏi trong thang từ 1-5 điểm: Rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, và rất thường xuyên. Điểm số từ 24 điểm trở lên được xem là nghiện.

- Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó? - Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều. - Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân. - Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công. - Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook. - Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc và học tập của bạn.

Thùy Linh - Thảo Anh (doanhnghiepvathuonghieu)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây